Tìm hiểu về cháy nắng

Bao nhiêu người trong chúng ta từng bị cháy nắng? Có lẽ hầu hết ai cũng đã từng bị một lần trong đời, đó là mang gương mặt và toàn thân đỏ lựng sau khi tắm biển, tiếp theo đó là nhăn mặt đau đớn vì rát khi cố gắng mặc đồ, chúng ta biết là không ổn nhưng vẫn tự trấn an bản thân tiếp tục làm điều đó. Tuy vậy, nếu như chúng ta thực sự hiểu được những gì đang xảy ra cho làn da của mình khi cứ để da tiếp xúc với nắng một cách thờ ơ như vậy, hẳn chúng ta sẽ không bình thản như vậy.

Việc cháy nắng chính là phản ứng của da khi tiếp xúc với tia cực tím và nó là biểu hiện của sự tổn thương nghiêm trọng. Chỉ trong khoảng 10 phút tiếp xúc ở cường độ cao với tia cực tím, da sẽ được đặt vào trạng thái phòng thủ chống lại kẻ thù này. Dấu hiệu tổn thương đầu tiên là ửng đỏ, nó là phản ứng viêm của cơ thể trong các tình huống cần phải sửa chữa và là kết quả của việc giãn nở mạch máu. Sau đó da sẽ bắt đầu mất độ ẩm và nước, biểu hiện rõ qua cảm giác căng chặt. Dần dà, các tế bào da sẽ bắt đầu dày lên và sắc tố melanin được sản xuất nhằm nỗ lực ngăn chặn các tia UV xâm nhập sâu hơn vào các lớp biểu bì bên trong và phá hủy cấu trúc DNA của các tế bào. Việc tiếp xúc với ánh nắng ở cường độ cao như vậy có thể dẫn đến tình trạng rối loạn sắc tố da và xuất hiện các vệt sáng không bình thường hoặc các đốm sẫm màu. Cơ thể chúng ta có chức năng tự sửa chữa và có thể ứng phó tốt với những tổn thương ở mức độ vừa phải, nhưng khi sự tiếp xúc vượt quá khả năng dàn xếp của cơ thể, những tổn thương nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra. Nếu DNA bị tổn thương và cơ chế tự sửa chữa của nó bị ảnh hưởng có thể sẽ dẫn đến ung thư da.

Tại sao có hiện tượng lột da?

Lột da sau khi bị cháy nắng là cách cơ thể loại bỏ những tế bào bị hỏng có nguy cơ mất kiểm soát và trở thành ung thư da. Vì mối nguy hiểm này, cơ chế tự sữa chữa bên trong các tế bào sẽ ra lệnh cho những tế bào hỏng tự hoại. Việc tự hoại tập thể này dẫn đến toàn bộ lớp biểu bì hỏng sẽ bị lột ra để được thay thế bằng những tế bào của các lớp bên dưới.

Tôi nên làm gì khi bị cháy nắng?

Đầu tiên, bạn phải ngay lập tức rời khỏi nắng, uống nhiều nước vì bạn có thể bị mất nước. Nếu da bị phồng rộp nặng, cần đến ngay bác sĩ để xem xét. Mặt khác, điều quan trọng là cần chặn đứng sự viêm sưng và giảm thiểu thiệt hại cho các lớp da sâu hơn



Hãy tắm nước lạnh (không dùng xà phòng hay bất kỳ sản phẩm nào khác), nhẹ nhàng lau khô da. Sau đó thoa kem làm dịu da lên các khu vực bị đỏ, tránh xa nắng và hơi nóng. Lưu ý không dùng các loại kem có nhiều thành phần từ chất béo, sẽ ngăn cản da làm mát và có thể làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Thay vào đó hãy dùng các loại kem có thành phần làm dịu như Đinh hương (Clove), Cam Thảo (Licorice), hoa oải hương (Lavender), Dưa chuột (Cucumber) và cây Yucca để giảm kích ứng, đau và ửng đỏ. Ngoài ra, hãy tìm một thành phần cực kỳ hữu ích là Japanese Adler giúp đẩy nhanh quá trình sữa chữa tổn thương do tia UV gây ra cho DNA, kết hợp với các thành phần như Tảo và Acid Hyaluronic sẽ giúp tái tạo độ ẩm cho làn da, giúp làm dịu cho da.

Và đừng quên là không được tiếp tục đi ra nắng vào hôm sau để lại bị cháy nắng lần nữa. Hãy nhớ rằng da của bạn vẫn đang trong quá trình cố gắng chữa lành do đó phải được cách ly khỏi ánh nắng một vài ngày. Bạn cần biết rằng làn da có một cơ chế ghi nhớ và lưu trữ tuyệt vời, cho dù bạn có dùng một loại kem phục hồi tốt như thế nào đi nữa thì những thiệt hại không thể sửa chữa vẫn có thể xảy ra, bạn sẽ có nguy cơ bị lão hóa sớm hoặc ung thư da mà không hề biết, đến lúc bạn biết được thì đã quá trễ. Hãy nghĩ lại khi lần tới bạn ra nắng với suy nghĩ thờ ơ "chỉ thêm 10 phút thì đã sao". Hệ thống miễn dịch của bạn đang lắng nghe bạn đấy !  

(Theo Dermalogica USA)